Ủy ban Nobel Na Uy đã phải đưa ra quyết định vào ngày thứ hai vừa qua từ danh sách kỷ lục 205 ứng cử viên. “Chúng tôi đã đưa ra quyết định”, thư ký có ảnh hưởng của Ủy ban Geir Lundestad cho hay.
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp hơn thường lệ bởi lần này, có rất nhiều ứng cử viên và có 2 thành viên mới. Chúng tôi muốn tận dụng tất cả thời gian có để đưa ra lựa chọn đúng nhất”, ông cho hay.
Và có vẻ như Ủy ban Nobel Na Uy cần thêm thời gian bởi vẫn chưa có một ứng viên sáng giá nào. Điều này khiến “trò chơi” phỏng đoán thường thấy mỗi năm trở nên khó hơn bao giờ hết. Chỉ biết, trong số những ứng viên đó có nghị sỹ, những người đoạt giải trước đó, học giả, và có cả Tổng thống Mỹ Obama cũng như Tổng thống Pháp Sarkozy.
“Ủy ban Nobel gặp một số khó khăn khi trao thưởng giải Hòa bình theo cách hiểu cổ điển của từ hòa bình”, người đứng đầu Viện quan hệ quốc tế Na Uy, Jan Egeland, cho hay.
Năm tháng trôi qua, Ủy ban có lúc đã phải mở rộng phạm vi của giải thưởng, gộp cả những lĩnh vực không theo truyền thống, như môi trường, cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, chống lại nghèo đói.
“Ủy ban Nobel vì vậy mà phải xem xét đến cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ Thế chiến II ở Cộng hòa dân chủ Congo (DRC)”, giáo sư Egeland cho hay.
Ông đã đề xuất Denis Mukwege, bác sỹ, người sáng lập bệnh viện Panzi ở DRC, bệnh viện đã giúp đỡ hàng trăm ngàn phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Nỗ lực xóa bỏ bom chùm, gây thương vong lớn cho thường dân, cũng được đề cao, với những ứng viên có khả năng đoạt giải như Liên minh đạn chùm hay tổ chức nhân đạo Handicap International. Cả hai nhóm này đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệp ước quốc tế về cấm bom chùm, được khoảng 100 nước ký kết, nhưng không có những nước sản xuất lớn, ví dụ như Mỹ.
Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Oslo (PRIO), cho rằng “nhiều khả năng” giải Nobel sẽ được trao cho “một cá nhân hoặc tổ chức tham gia giải quyết các cuộc xung đột có vũ trang kéo dài”.
Và những lựa chọn hàng đầu của ông năm nay là nghị sỹ Colombia Piedad Cordoba vì những nỗ lực của bà nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Colombia; Hoàng tử Jordan Ghazi Bin Muhammad Bin Talal, một người ủng hộ đối thoại giữa các tôn giáo; và bác sỹ, nhà hoạt động nhân quyền người Afghanistan Sima Samar.
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho nhà trung gian hòa giải người Phần Lan, cựu tổng thống Martti Ahtisaari. Với giải này, ông được nhận một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và một tấm séc trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,6 triệu USD).
0 comments:
Post a Comment