Tốt quá, hóa dại mặt?!
Hoài Nguyên, một teen 11 trường Trần Nhân Tông đã phải thốt lên “Hình như trong thời buổi này, tốt quá thế nào cũng bị cho là ngu thì phải?”. Câu thắc mắc đầy ấm ức xuất phát từ một buổi chiều xung phong làm người tốt ở giữa ngã tư Lê Duẩn, Khâm Thiên. Đang đi chơi với bạn thì Nguyên thấy một bà cụ đang bám vào tay đứa cháu gái có vẻ mặt khá... lớ ngớ đứng trên vỉa hè. Có vẻ cả 2 đang muốn sang đường nhưng các làn xe cứ dồn dập, lại vừa có tàu chạy qua phố Khâm Thiên nên đường rất đông. Nguyên dừng xe, nhờ bạn trông hộ rồi chạy lại đề nghị dắt bà sang đường.
Gần như ngay lập tức, Nguyên biết hành động của mình quả là dại dột nhất trên đời. Vừa lấy tay đỡ bà cụ thì bà quay sang... hét ầm lên “Mày bỏ tay ra khỏi người tao đi!”. Cô cháu thì mất hẳn nét lớ ngớ, 2 tay chống nạnh quát: “Định móc túi bà cháu tao à? Lướt ngay!”. Giá như có cái hố gần đấy chắc chắn Nguyên cũng dám nhảy lắm. Ngượng gần chết với những người quanh đấy, Nguyên phi lên xe và vẫn còn nghe thấy giọng bà cụ the thé đằng sau: “Tử tế gì lũ chúng nó. Móc túi nhanh lắm đấy!”!
Có nên vì ngại mà không "tốt" nữa?
Đi ngoài đường, Phan Tùng (sn1991) hay gặp nhiều người đi trước quên gạt chân chống. Bất cứ lúc nào gặp cảnh như vậy Tùng đều phi lên nhắc người ta bằng được. Chính cậu cũng đã chứng kiến một chú bị ngã xe giữa đường đông chỉ vì rẽ khi chân chống chưa gạt. Thế nhưng, có lẽ đến giờ thì Tùng đã rút ra được một bài học khá đắt, đó là chỉ nhắc người lớn, còn với xì tin hoặc các anh chị choai choai thì tốt nhất là nghỉ!
Thấy đôi tình nhân đèo nhau trên chiếc wave Rs chuẩn bị quẹo trái mà chân chống vẫn chưa gạt hết, Tùng phi lên nhắc. Không ngờ cả 2 “nhân” kia cùng quay sang nhìn Tùng và ré lên cười: “Bố thằng điên!”! Lần khác, cậu thấy một xì tin trường VĐ đi xe ga nhưng quên tắt xi nhan, cùng đường nên Tùng nhắc em ấy tắt xi nhan đi. Một câu nhắc giúp người hoàn toàn vô tư, và em kia cũng vô tư không kém, lườm Tùng từ đầu đến chân rồi buông câu: “Việc của ông à ông trẻ?”!!
Hải, teen 12 LQĐ thì lại phải dại mặt khi muốn giúp một cô ở quán ăn. Ngồi ăn bún vỉa hè nên chật chội, xe cộ để san sát nhau khó lấy. Lúc thanh toán, thấy cô này lúng túng không biết lấy xe thế nào, Hải bỏ bát chạy ra dắt hộ. Cô kia vừa trả tiền xong, ngẩng lên thấy Hải dắt xe mình thì chưa kịp hỏi han gì đã mắng sa sả: “Cậu dắt xe của tôi làm cái gì thế?”. Bà chủ quán phải dằn giọng: “Nó thấy xe chị khó lấy nó lấy hộ còn nói nữa à!”, cô này vẫn nhìn Hải bằng ánh mắt cảnh giác và bĩu môi: “Giúp đỡ gì, cứ thử xểnh ra xem...”. Bữa đó cậu bạn ăn bát bún mà thấy chán ngắt. Và Hải đã tự dặn mình “Không phải việc của mình, thì không bao giờ tốt kiểu thế này nữa”.
Có nên vì ngại mà không tốt nữa?
Bản chất con người luôn có chữ Tâm, ai cũng muốn làm việc thiện và giúp đỡ người khác bằng khả năng của mình. Kể cả với những kẻ xa lạ thì teen chúng mình vẫn rất vô tư giúp, chẳng cần phải công xá gì cho cam. Nhắc người ta gạt chân chống loại bỏ một nhân tố gây tai nạn, giúp người già qua đường hay giúp ai không may bị ngã xe, lạc đường đều là những hành động đáng khen và nên làm, thế nhưng với nhiều người, ngay cả một câu cảm ơn hay thái độ thiện chí với người vừa ngỏ ý giúp mình cũng không thể làm nổi. Điều đó đã đẩy teen mình vào cảnh phải dại mặt, và cũng vì thế mà ngại cả giúp người lần nữa.
Sau vụ tốt bụng “nhớ đời”, Nguyên đã rút ra bài học cho riêng mình là “Tốt quá, xăng xái quá cũng chỉ đem lại cái tiếng ngu”. Đi đường còn gặp nhiều cảnh tương tự, nhưng không bao giờ cô bạn dừng xe để giúp ai nữa. “Biết đâu người ta cần giúp mà xông vào? Trừ khi là bạn bè hoặc người thân, còn với người lạ thì tốt nhất cứ tránh thì hơn!”.
Hải thì lại hoàn toàn mất lòng tin về thứ gọi là lòng tốt, và cách mà người ta đối xử với sự tốt bụng của cậu. Với bạn bè, tốt quá, nhiệt tình quá thì bị lợi dụng triệt để. Ngay cả với người ngoài cũng bị nghi ngờ, lắm lúc còn bị mắng oan như hôm đi ăn bún. Chẳng lẽ con người cứ phải sống thờ ơ, lạnh nhạt và vô tâm với người khác thì mới là “phải đạo” sao?
Làm việc tốt là một điều đúng. Mà đã là điều đúng thì tại sao lại không nên làm? Chỉ mong rằng không vì những “con sâu vô duyên” mà lòng tốt của teen mình bị phai nhạt dần, đừng ngại làm điều tốt kể cả những điều nhỏ nhặt nhất, teen nhé!
0 comments:
Post a Comment