(danghienIT) - Ngày nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tất cả mọi thứ, teen đều có thể tìm kiếm trên internet. Từ việc học, việc làm đẹp, đến việc “ốm đau”, teen cũng có thể tìm hiểu và học tập từ kinh nghiệm của rất nhiều tiền bối qua internet. Thế nhưng đôi khi, teen lại lạm dụng quá, khiến cho những cái “đáng lẽ đúng lại thành sai, đáng lẽ phải lại thành trái”. Trong đó, nhiều nhất vẫn là hiện tượng các teen tự học hỏi, chuẩn đoán bệnh và chữa bệnh theo internet.
Đoán bệnh từ “bệnh của người ta”
Tìm hiểu thêm những kiến thức và kinh nghiệm từ người khác quả thật tốt chứ không phải xấu. Nhưng nó chỉ tốt khi teen hiểu một cách cặn kẽ những gì người viết muốn thể hiện, tiếp thu chính xác những nội dung kiến thức chính. Ngược lại, sẽ rất tai hại nếu như teen không hiểu hết điều người viết muốn thể hiện, hiểu một cách lưng chừng, hay hiểu nhầm những điều được viết trên mạng.
Thanh Hiền, 16t, vốn có khuôn mặt xinh xắn, nhưng cô nàng lại có thân hình khá tròn trịa. Với một mong muốn hết sức “phình phường” là có một thân hình thon nhỏ như bao cô bạn cùng trang lứa, Hiền quyết định tìm cách giảm cân. Với số vốn tiền tiêu vặt để dành mẹ cho không mấy nhiều nhặn, Hiền không thể tìm đến các trung tâm mĩ viện nổi tiếng. Cũng chẳng muốn ai biết, thế là Hiền lặng lẽ tìm một cách khác với hi vọng thành công, đó là tự tìm hiểu các cách thức giảm béo trên net và cố gắng thực hiện.
Chỉ sau vài cái click chuột và vài tiếng mày mò, Hiền đã rất sung sướng khi tìm ra cho mình một phương pháp ăn kiêng mà Hiền cho là hiệu quả. Chẳng là do Hiền tìm thấy tâm sự của một teen tầm tầm tuổi, có chỉ số cân nặng và chiều cao tương đương, tình trạng ăn uống cũng “giống giống”. Nói chung sau nhiều điểm giống mà Hiền đọc được, thế là cô nàng rất chi là “tâm đắc” và nghĩ rằng mình đã “ vô tình lượm được bí kíp”.
Giống như trường hợp của Hiền, nhiều teen có những nỗi niềm không dám bày tỏ cùng ai, tìm đến bác sĩ hay bệnh viện thì lại “lười, ngại và sợ người khác biết”, thế là cứ âm thầm tìm những kinh nghiệm chẳng hiểu của ai, từ đâu, cũng không rõ gốc tích như thế nào. Tất cả đều từ trên mạng và đặt niềm tin trọn vẹn vào nó .
Hãy chọn lọc những thông tin trên net thật kỹ. (Ảnh minh họa)
Chữa bệnh theo “cách của người ta”:
Không chỉ dừng lại ở khâu đoán bệnh, các teen của chúng là còn “tự chữa bệnh” qua những hướng dẫn không rõ đầu đuôi và nguồn gốc trên internet. Teen tự bốc cho mình những thang thuốc, tự viết cho mình một toa dù chưa một ngày trải qua kinh nghiệm hay chưa một ngày được đào tạo và huấn luyện tại một trường lớp y dược nào.
Trường hợp của Thanh Hiền ở trên, do quá mải mê và tin vào đơn thuốc “làm đẹp cấp tốc” của người có miêu tả giống giống. Hiền lao vào thực hiện một cách mù quáng.
Mỗi ngày thay vì bớt chế độ ăn kiêng và tập thể dục đều đặn, thì Hiền lại làm theo cách được hướng dẫn là: “Ăn càng ít càng tốt. Và trong những bữa ăn thì ăn thật đàng hoàng để chống “bệnh thèm ăn”. Tốt nhất là chỉ nên ăn thịt và thịt, hạn chế ăn cơm vì “nghe đâu” cơm, gạo có nhiều tinh bột, ăn sẽ rất mau béo. Những khi đói, dù mệt đến mấy cũng không nên uống nước đường nhiều, chỉ nên uống các loại nước ép trái cây". Do hiểu sai ý rằng hạn chế uống đường nhiều, thế là cô nàng cứ “nước ép trái cây mà quất bù”.
Không chỉ áp dụng những toa thuốc lạ cho bản thân, nhiều teen còn “xúi ” bạn bè làm theo phương cách của mình. Thậm chí teen rất nhiệt tình và chỉ một cách tỉ mỉ cứ như là “không thể sai vào đâu được ”.
Rất nhiều người ôm bụng cười khi nghe Hữu Nam, 16t dành lời khuyên cho bạn mình trong giai đoạn cúm A/H1N1 đang hoành hành. Anh chàng cứ thấy những ai xung quanh có biểu hiện “giống giống trên mạng nói” là bắt đầu phán ngay rằng “thôi rồi, bị lây cúm rồi”.
Với tất cả bạn bè của mình, anh chàng đều khuyên đi khám và tìm đến các trung tâm y tế để “cách ly luôn” vì đã có những biểu hiện cơ bản “giống y chang” của H1N1. Thế là anh chàng luôn chỉ có một lời nói như đinh đóng cột bằng tin nhắn cho những người bạn “chưa rõ bệnh gì ” của mình rằng: “Tao thấy biểu hiện của mày là cúm heo chắc ăn rồi. Mày có triệu chứng chẳng khác tí nào mấy cái ghi trên mạng. Giờ mày khỏi đi khám xét làm gì cho tốn tiền và phải chờ đợi lâu. Cứ đến bệnh viện xin cách ly và xin chữa chung với những người đã dương tính luôn đi. Như thế, nó không có thời gian phát triển bệnh lâu, nó nhẹ, dễ chữa hơn đó. Tao khuyên mày thật lòng vì muốn tốt cho mày thôi. Mày là cúm heo chắc ăn luôn rồi ” . Thấy tin nhắn của thằng bạn chí cốt như thế, mấy ai là không “rối mù lên hoảng loạn” phải không nào?
Kết
Những kiến thức trên mạng rất nhiều, nó dường như tràn lan. Không phủ nhận rằng có rất nhiều kinh nghiệm hữu ích, nhưng để biết được đâu là những kinh nghiệm cần học hỏi, đâu là không thì lại cần cả một quá trình.
Sau một tháng chữa trị theo cách của người có thể trạng giống giống, Hiền bỗng tăng vụt cân lên so với chỉ số ban đầu dù đã kiêng cữ rất vất vả. Không biết chuyện gì đang xảy ra và không hiểu vì sao. Tìm đến trung tâm tư vấn và bác sĩ thật sự thì Hiền mới biết được rằng tuy có thể trạng và độ tuổi tương đương, nhưng do thói quen ăn uống của “người kia” và của mình không hề giống nhau, nên không thể áp áp dụng y chang như thế được. Mà nhất là do những hướng dẫn trên mạng lại vừa thiếu tính chi tiết và cụ thể, nên lại càng làm cho tình hình trở nên “bi đát hơn”.
Một số hướng dẫn trên mạng rất hay và bổ ích. Nếu ta vơ đũa nói rằng hoàn toàn sai cũng không đúng. Nhưng có thể nói, rất nhiều bài viết chưa thể hiện đầy đủ và thể hiện toàn bộ quá trình. Nó chỉ thể hiện phần nào những điều thực sự đã diễn ra, do người viết muốn chia sẻ phần nào may mắn của mình cho những người theo sau đó.
Tìm hiểu thêm qua net là rất tốt, nhưng khi đã hiểu thì phải hiểu cho thấu, đừng vội vã và đừng quá chắc ăn về sự hiểu biết và vốn sống của mình. Trước khi làm bất kì điều gì, teen cần có một lượng kiến thức chắn chắc và được sự hướng dẫn của bác sĩ và người lớn. Đừng vội vàng làm theo những hướng dẫn khi chưa hiểu hết về nó, teen nhé.
0 comments:
Post a Comment