“Mở mồm ra là tiền!”
Ai cũng biết tiền tiêu vặt của teen phần lớn đều chui ra từ hầu bao của phụ huynh. Với các công tử tiểu thư con nhà giàu, thì số lượng tiền chui ra cứ “đều như vắt chanh” hàng triệu đồng/tuần. Thế nhưng tiền đối với teen thì lúc nào cũng như thiếu thốn lắm, thế là nhiều bạn tranh thủ xin bố mẹ mọi lúc mọi nơi. Cả ngày không gặp mặt nhưng cứ hễ trò chuyện trong bữa ăn là phải “lồng” thêm chuyện xin tiền. Đến nỗi, các phụ huynh nhắc đến con cái đều lắc đầu chán nản “Chúng nó cứ mở mồm ra là tiền!”.Bác Lương, phụ huynh của cô nàng Heo (teen TP) vốn nổi tiếng chiều con. Anh của Heo đang học ở Mỹ, nhà chỉ có 3 người nên Heo càng được chiều chuộng. Cô nàng muốn gì là được nấy, ngay cả chiếc xe ga mà chỉ xin xỏ có 2 ngày là chìa khóa xe đã nằm trên bàn, laptop với di động thì thay đổi xoành xoạch, cứ loại nào hiện đại nhất là bác Lương đều mua về cho con gái cưng. Dù không thiếu tiền tiêu, cũng chẳng cần làm ăn buôn bán gì nhưng xin tiền đã trở thành thói quen khó bỏ của Heo. Có điều, càng lớn thì thói quen ấy càng ăn sâu vào tính cách, câu chuyện của Heo và bố mẹ chẳng có gì khác ngoài “Cái này con muốn mua, cái khác con cần tiền...”. Tiền đã trở thành “miếng trầu đầu câu chuyện”, từ một phụ huynh chiều con, bác Lương cũng cảm thấy khó chịu vì “Quay đi quay lại đã lại xin tiền, chả thấy hỏi thăm bố mẹ được câu nào tử tế!”.
Tỉ tê với bố, nhưng là để... xin tiền (Ảnh minh họa)
Vì thương và chiều con, chỉ sau 30 phút tỉ tê, cô Kim Anh đã hoàn toàn xiêu lòng trước yêu sách của con gái. Cô vui lòng móc hầu bao ra “trả công” cho buổi nói chuyện, gọi là thêm tiền tiêu vặt. Còn Ly thì hí hửng lên chat, khoe với bạn tài “moi tiền” phụ huynh “siêu đẳng”!
Những buổi “moi tiền” phụ huynh như thế không hề hiếm. Thậm chí, có phụ huynh đã phải chua chát nhận xét rằng, cứ khi nào thấy “chúng nó” ngọt nhạt, tình cảm mà ngồi nói chuyện lâu lâu thì có thể đoán ngay là mình sắp bị... xin tiền. Nhiều teen lúc bình thường thì toàn lẩn như trạch nếu phải ngồi ăn cơm, tâm sự với bố mẹ. Nhưng khi cần xin tiền thì cứ gọi là tình cảm thắm thiết lắm. Lâu dần, đó trở thành quy luật xấu xí nhưng lại không khó hiểu trong vài gia đình có mức sống cao.
Bố mẹ đều là quan chức, cuộc sống của Hoài Kute (sn1992) không có gì phải lo nghĩ. Chỉ có điều, số chi của cô nàng luôn vượt quá mức “báo động” so với số tiền tiêu vặt bố mẹ cho. Muốn có thêm tiền thì phải xin, mà xin thì phải tìm cách nịnh mới được nhiều tiền, Hoài nghĩ trong đầu như thế nên tranh thủ lúc bố rảnh rỗi, cô nàng tìm cách nhổ tóc sâu, tiện thể ỉ ôi xin tiền luôn.
Đi làm vất vả nên những khi nghỉ ngơi ở nhà, bố Hoài thích con gái quấn quýt trò chuyện tình cảm cho không khí gia đình thêm ấm cúng. Thường thì con gái rượu sẽ... lẩn về phòng để khỏi phải hầu chuyện, Hoài cho rằng 2 thế hệ khác nhau nhiều nên khó mà có thể ngồi quá 10 phút với phụ huynh. Thế nhưng, một khi đã cần tiền, Hoài có thể ngồi hẳn 1 tiếng, nhổ tóc sâu cho papa và thản nhiên xòe tay “xin tiền công”. Tiền công nhổ tóc bạc cộng thêm tiền tiêu vặt có thể lên đến 2 triệu nếu hôm đó “cụ ông” vui vẻ. Cô nàng láu cá còn rất khéo léo, biết tìm lúc nào bố đang vui để nhổ tóc bạc.
Nhưng dần dần, bố Hoài cũng biết trò tóc bạc chỉ là tiểu xảo để cô nàng “móc túi”. Vì có lần tỉ tê cả tiếng với bố mà chỉ được “có” 200k, mặt mũi con gái rượu cứ thế ỉu xìu, dậm chân ầm ầm, và lần sau có muốn được con gái nhổ tóc bạc thì phụ huynh cứ việc chờ “mút chỉ”!!
Tiền không thể mua được tình cảm
Chân lý rõ rành rành như thế, vậy mà chỉ vì muốn kiếm thêm tiền tiêu vặt từ túi bố mẹ, teen lại cố tình lờ đi và đối xử với chính gia đình của mình bằng mối quan hệ đậm mùi vật chất. Có teen còn thản nhiên khẳng định, khó có thể nói chuyện gì với phụ huynh ngoài việc xin tiền. Một phần do phụ huynh quá nuông chiều con cái, nhưng dù sao việc đó cũng xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến. Nếu lợi dụng điều đó để xin ít tiền tiêu vặt, liệu bạn có xứng đáng làm con trong gia đình không?
Cách đây 1 tuần, cô nàng Heo nhận được tin dữ: bác Lương, bố Heo đi khám và đã bị phát hiện bị ung thư tụy giai đoạn đầu. Dù phát hiện sớm nhưng hy vọng cứu sống hoàn toàn chỉ là 50%. Gia đình đều tập trung vào việc chữa bệnh cho bác, nhìn mẹ suy sụp còn bố chỉ lặng im trước bệnh tật, Heo thương bố vô cùng. Cô bạn nhận ra rằng, tất cả những đòi hỏi trước đây của mình thật quá quắt, suốt bao năm qua Heo chỉ biết đòi hỏi mà không thèm cho đi chút tình cảm nào với gia đình. Đến giờ, cô bạn mới thấy ân hận, nhưng thời gian để Heo “sống lại” chẳng biết có kịp không khi bệnh tình của bác Lương ngày càng diễn biến phức tạp hơn?
Không đến mức nặng nề như chuyện của Heo, nhưng trước sau gì, cách sống thực dụng ngay cả với chính bố mẹ mình cũng sẽ khiến teen phải ân hận. Có nên đánh đổi sự yêu thương trong gia đình ra tiền bạc và vật chất, câu trả lời xin dành cho các bạn!
0 comments:
Post a Comment