Ngày này là ngày gì?!
“10-10 là ngày gì thế mày ơi?”, câu hỏi to vang lên trong quán nước, khiến ai đấy đều phải ngoái nhìn chiếc bàn có 3-4 cô cậu học sinh đang chễm chệ cạnh những chiếc lap top và mobile đời mới nhất. Một cậu ra vẻ hiểu biết nhất gõ đầu đứa vừa phát ngôn gây chú ý: “Mày ngu thế, ngày kỷ niệm gì gì của Thủ đô ấy!”. Sau khi “Gúc gồ” cho nhanh, cậu vỗ tay cái đét vào người thằng bạn, hét to: “Tao biết ngay mà, ngày Giải phóng thủ đô. Bảo sao dạo này đường phố trang hoàng nhiều thế! Hôm qua con em tao rủ ra Bờ hồ chụp ảnh cái gì nghìn năm Thăng Long ấy, cũng “làm” vào 10-10 luôn này!”. Cậu học sinh thích chí cười to vì mình “thông thái” hơn cả đám đang mù tịt, còn khách uống nước thì được phen hết hồn với cái gọi là hiểu biết về ngày lịch sử của teen Việt.
Mù tịt, hoặc chỉ biết lõm bõm, thậm chí còn không đọc nổi tên của những ngày lễ lớn ở nước mình đang là tình trạng chung của teen bây giờ. Từ những teen học giỏi, năng động cho tới các “dân chơi” tuổi teen đều cho rằng mối quan tâm của họ không bao gồm cả việc nhớ đến các ngày lễ, mặc kệ tivi, báo chí liên tục đưa tin và ngay cả trong trường cũng tổ chức kỷ niệm. Nhiều teen thấy trường treo băng rôn, tổ chức lễ kỷ niệm hay đi ngoài đường thấy trang hoàng rực rỡ hơn ngày thường thì chỉ còn biết trố mắt hỏi lẫn nhau: “Ngày này là ngày gì mà tự dưng... khác thế nhỉ!”. Các ngày lễ lớn như 3-2, 7-5, 27-7, 19-8 hay 10-10... đều nằm trong “list bị quên” thường thấy.
Bảo Quyên, một teen trường Quang Trung từng rơi vào tình trạng ú ớ phát ngượng khi không trả lời nổi thông tin về chính thành phố mình đang sống. Anh chị từ Sài Gòn ra chơi, đi qua bờ hồ thấy chiếc đồng hồ đếm ngược 1000 ngày kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã vui vẻ hỏi Quyên: “Em có biết lễ kỷ niệm tổ chức vào ngày nào không?”, cô nàng nhanh nhảu trả lời: “Vào 10-10-2010 chị ạ!”. “Mùng 10-10 là ngày gì mà lại chọn đúng ngày đó?”, đến đây thì Quyên mới chợt nhớ ra cô chỉ nhớ dịp lễ 30-4, 1-5 vì được... nghỉ học, chứ 10-10 là ngày gì thì đúng là... chịu!
Teen bây giờ rất chịu khó lên mạng, đọc vanh vách thông tin từ A-Z sự kiện hot trong làng giải trí, thế nhưng để bỏ ra vài phút xem thời sự, xem báo chí để nhớ đến những ngày lễ lớn trong nước thì lại chẳng bao giờ thèm đoái hoài. Ngay cả các ngày lễ đó có liên quan tới thành viên trong chính gia đình mình. Như Thanh, teen 10 trường PDP chẳng hạn. Bác ruột của Thanh đã từng đi bộ đội, khi tham gia chiến trận không may bị mảnh đạn găm vào đầu, đã được chứng nhận là thương binh hạng nhất nên mỗi năm vào ngày kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, cả nhà Thanh đều đến hỏi thăm và chuyện trò cùng bác.
Thế nhưng cô cháu gái thì chưa bao giờ nhớ được “cái ngày cả nhà đều đi thăm bác cả là ngày gì”. Từ bé, Thanh chỉ biết theo bố mẹ đi chứ cũng không mấy quan tâm. Lớn lên, sự vô tâm càng tăng cao khi năm nào Thanh cũng để bố gọi điện giục giã mới chịu đến thăm bác ruột. Năm nay, cầm bó hoa tới nhà bác, cô cháu quý quá chúc thật to: “Cháu chúc mừng bác ngày 27-7, ngày.... ờ...ờ... ạ!”!!! Biết là 27-7 “phải” tới thăm bác, chứ để nhớ được tên ngày đó thì... chịu!!
Ngay cả ngày kỷ niệm nghề nghiệp của chính bố mẹ mình, nhiều teen cũng không thể lưu vào bộ nhớ trong đầu. Mẹ của Tùng (sn1992) là bác sĩ, nên vào mọi năm kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, trong nhà đều có hoa của đồng nghiệp, họ hàng bạn bè. Người ngoài còn nhớ để tặng bó hoa hay gọi điện chúc mừng, nhưng riêng Tùng thì cứ... quên béng mất. Chỉ tới khi xuống phòng khách đầy hoa, cậu mới ớ ra: “Ơ, hôm nay ngày gì mà lắm hoa thế mẹ nhỉ!”. Thấy con trai vô tâm quá thể, mẹ Tùng chỉ còn biết lắc đầu cười buồn. Phải đến khi chị ôsin nhắc khéo, Tùng mới giật mình “Ờ nhỉ, quên mất!” rồi cuống cuồng chạy ra đầu phố mua hoa tặng “bù” cho mẹ.
Quên cả sinh nhật phụ huynh
Một điều thật lạ và nực cười, đó là teen có thể nhớ như in ngày sinh của từng đứa trong hội bạn thân, của người yêu, ngày kỷ niệm 1 tuần, 1 tháng, vài năm... quen chàng/nàng, nhưng sinh nhật của phụ huynh, anh chị em trong gia đình thì... chịu hẳn. Hoặc có chăng cũng chỉ là nhớ mang máng vào tháng này tháng kia. Sinh nhật người thân đã không nhớ, ngày kỷ niệm bố mẹ cưới nhau lại càng quên tợn. Chính điều này đã gây nên những nỗi buồn không hề nhỏ đối với phụ huynh của bạn.
Bác Liêm, phụ huynh một teen đang học lớp 10 cho biết cậu con trai bác vừa xin phép bố mẹ đi du lịch vào thứ 7 chủ nhật sắp tới. Bác hỏi “Con không nhớ thứ 7 là ngày gì à?”, cậu con cứ gãi đầu gãi tai mãi, “Thứ 7 là 10-10, có liên quan gì hả bố? Ngày giải phóng Thủ đô mà?”. Quá ngạc nhiên với trí nhớ “vĩ đại” của cậu con, bác Liêm chỉ còn cách nói toạc móng heo “Ừ, nhưng là sinh nhật mẹ con đấy! Nói thế không sợ mẹ mày buồn à?”...
Không biết làm cách nào mà teen có thể nhớ như in sinh nhật của bạn thân, của người yêu, trong khi ngày sinh của chính bố mẹ mình lại bị “cho ra rìa” như thế. Ly (sn1991) còn bỏ đi chơi cả ngày vào đúng sinh nhật của bố, chẳng có lấy một bông hoa hay lời chúc mừng vì đã quên béng mất rồi còn đâu. Hôm đó, cô bạn đi chơi đến khuya mới về, thấy bố mẹ chưa ngủ Ly còn thò cổ vào “hỏi thăm”: “Có gì mà bố mẹ vui thế!”. Vô tâm và vô cảm như Ly không hề hiếm. Nhiều teen bây giờ xúng xính chuẩn bị sinh nhật bạn trước cả tháng, chọn quà để kỷ niệm ngày yêu nhau trước hàng tuần, nhưng sinh nhật bố mẹ thì cứ “im thin thít và lặn mất tăm”, kỷ niệm ngày cưới của phụ huynh cũng không hề nhớ. Chưa kể những ngày giỗ chạp, thượng thọ ông bà lại càng “không thể lưu vào bộ nhớ”.
Cuộc sống rộng lớn của teen đâu chỉ xoay quanh thông tin về những hot boy, hot girl và làng giải trí màu mè. Bạn nghĩ sao về một thế hệ trẻ trung, năng động và thông minh, cái gì cũng có thể hùng biện ầm ầm nhưng khi được hỏi về các ngày lễ lớn, những sự kiện quan trọng của nước mình, ở thành phố mình đang sinh sống thì lại ậm ờ rồi... ngậm hột thị? Và nghĩ sao về những teen sốt sắng cho ngày kỷ niệm của bạn bè, cho bản thân nhưng khi hỏi một câu đơn giản “Sinh nhật phụ huynh ngày bao nhiêu” thì lại ngượng ngùng lắc đầu quay đi?
0 comments:
Post a Comment